Tham gia bảo hiểm y tế: Giảm gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh
Phao cứu sinh
![]() |
Đốt u gan bằng vi sóng cho bệnh nhân có thẻ BHYT tại Bệnh viện Ung bướu tỉnh. |
Theo thông tin từ BHXH tỉnh, qua hệ thống giám định thanh toán BHYT, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có gần 303,5 nghìn lượt bệnh nhân khám, chữa bệnh BHYT, trong đó, 8% người bệnh có chi phí từ 100 triệu đồng/đợt điều trị trở lên. Đặc biệt, ở một số căn bệnh nguy hiểm, hiếm gặp phải sử dụng các loại thuốc nhập khẩu chỉ có ở một vài nước trên thế giới thì chi phí có thể lên tới vài trăm triệu đồng/đợt điều trị.
Qua tìm hiểu, một trong những trường hợp được quỹ BHYT thanh toán nhiều nhất từ đầu năm đến nay là ông Hà Văn L ở xã Vân Sơn (Sơn Động) với chi phí gần 200 triệu đồng. Ngày 19/2, ông bị hôn mê sâu dẫn đến suy thận cấp, suy đa tạng, xuất huyết não, viêm màng não do vi khuẩn phải lọc máu liên tục. Bệnh nhân được điều trị 32 ngày tại Trung tâm Y tế huyện Sơn Động và Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Dù điều trị dài ngày, tốn kém nhưng nhờ 80% chi phí được quỹ BHYT thanh toán nên gia đình ông L cũng bớt gánh nặng, yên tâm điều trị.
Hay như trường hợp ông Dương Quốc Ch, thị trấn Vôi (Lạng Giang) đang sinh hoạt, làm việc bình thường nhưng sau một lần đi khám phát hiện bị ung thư gan với khối u bất thường có kích thước 6,8 cm. Khi vào điều trị tại Bệnh viện Ung bướu tỉnh, các bác sĩ chỉ định đốt khối u bằng vi sóng.
Hiện nay, toàn tỉnh có 47 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT. 10 tháng năm 2020, Quỹ BHYT tỉnh đã thanh toán gần 137,3 tỷ đồng chi phí khám, chữa bệnh cho người dân. Mức chi này tương đương 83% so với kế hoạch giao năm 2020. |
Đây là kỹ thuật tuyến trung ương được thực hiện lần đầu tại Bắc Giang có chi phí phẫu thuật cao. Hơn nữa, sau phẫu thuật, người bệnh ung thư vẫn phải tiếp tục theo dõi điều trị với nhiều loại thuốc đặc hiệu, đắt tiền.
Ông Ch nói: “Nhờ thẻ BHYT, tôi đã giảm được gánh nặng thanh toán viện phí, có điều kiện tiếp tục chữa bệnh. Nếu không có BHYT, gia đình tôi không biết vay mượn ở đâu để có đủ 120 triệu đồng chi phí cho đợt điều trị này”.
Thực tế, những ca bệnh diễn biến phức tạp như trên nếu không có thẻ BHYT mà phải điều trị thường xuyên, dài ngày sẽ làm khánh kiệt kinh tế gia đình. Thẻ BHYT càng ý nghĩa hơn với những bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Để duy trì sự sống, người bệnh phải lọc máu chu kỳ 3 lần/tuần, với chi phí từ 280-300 triệu đồng/năm.
Bác sĩ Tăng Hạnh Nhân, Khoa Nội thận - Tiết niệu - Lọc máu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) chia sẻ: Khi đến điều trị, nghe bệnh nhân nói có thẻ BHYT, bác sĩ thấy yên tâm hơn. BHYT là giải pháp chia sẻ gánh nặng chi phí điều trị cho tất cả người bệnh nhưng với những bệnh nan y như suy thận mạn tính phải điều trị kéo dài càng có ý nghĩa như một “chiếc phao cứu sinh”.
Được biết, hiện nay, Khoa Nội thận-Tiết niệu-Lọc máu đang chạy thận thường xuyên, lâu dài cho 360 bệnh nhân, trong đó có nhiều ca đã lọc máu nhân tạo hơn 10 năm. Nếu không có thẻ BHYT, phần lớn các bệnh nhân khó có thể trụ nổi bởi chi phí thuốc cho chạy thận rất lớn. Nhờ tham gia BHYT, những ca bệnh có chi phí cao đã được quỹ BHYT chi trả, từ đó giúp nhiều người dân không bị rơi vào hoàn cảnh khó khăn do ốm đau, bệnh tật. Đây là ý nghĩa thiết thực để người dân hiểu rõ lợi ích khi tham gia và hoàn thành lộ trình BHYT toàn dân vào năm 2020 trên địa bàn tỉnh.
Chia sẻ rủi ro
Được biết, hiện nay, toàn tỉnh có 47 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT. 10 tháng năm 2020, Quỹ BHYT tỉnh đã thanh toán gần 137,3 tỷ đồng chi phí khám, chữa bệnh cho người tham gia BHYT. Mức chi này tương đương 83% so với kế hoạch giao năm 2020, không gây vượt quỹ.
Ông Thân Đức Lại, Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: "BHYT là phương thức chăm sóc sức khỏe nhân dân không vì mục đích lợi nhuận nhằm bảo đảm an sinh xã hội. Với mức đóng không cao, tham gia BHYT là cách tốt nhất để mọi người giúp nhau chia sẻ rủi ro khi ốm đau, bệnh tật, nhất là khi mắc bệnh hiểm nghèo, chi phí lớn, kéo dài vẫn được khám, chữa bệnh chu đáo, không phân biệt giàu nghèo. Tùy thuộc vào nhóm đối tượng, người có thẻ BHYT khi đi khám, chữa bệnh đúng tuyến được quỹ BHYT chi trả từ 80-100% chi phí".
Tính đến tháng 11/2020, tỉnh Bắc Giang có 1,794 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 99% dân số có thẻ. Phấn đấu từ năm 2021 và những năm tiếp theo, toàn tỉnh duy trì tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 99%. Theo tổng hợp của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp đến năm 2030, toàn tỉnh còn 1% dân số chưa tham gia.
Trong số này có một số trường cao đẳng, dạy nghề chưa đạt tỷ lệ theo yêu cầu. Nhiều đối tượng vẫn trông chờ vào sự hỗ trợ do vậy thời gian tới, khi Nhà nước giảm dần hỗ trợ mua thẻ, nguy cơ tỷ lệ tham gia sẽ khó bền vững.
Theo ông Thân Đức Lại, để duy trì, phát triển bền vững các nhóm đối tượng đã và đang tham gia BHYT, thực hiện lộ trình BHYT toàn dân, BHXH tỉnh tập trung phối hợp với các huyện, TP xây dựng cơ sở dữ liệu đối tượng tham gia BHYT, lập danh sách từng đối tượng chưa tham gia, phân nhóm cụ thể. Trên cơ sở dữ liệu, các xã, phường, thị trấn triển khai tuyên truyền, vận động đến từng gia đình, từng nhóm đối tượng.
Trước mắt, trong tháng cao điểm (tháng 11) vận động người dân tham gia BHYT, BHXH, các huyện củng cố mạng lưới đại lý thu, không để xảy ra tình trạng hoạt động kém hiệu quả, chưa bám sát địa bàn, người dân chưa hiểu thấu đáo về chính sách BHYT.
Hướng tới mục tiêu tất cả người dân đều có thẻ BHYT, cơ quan BHXH tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp trong đó chú trọng cải cách hành chính, quản lý chặt chẽ quy trình giám định chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Ngành y tế tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, phát triển kỹ thuật chuyên sâu, cải thiện y tế cơ sở đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh.
Minh Thu
Ý kiến bạn đọc (0)