Bắc Giang: 4 trường hợp mắc Whitmore
Trong đó, vào tháng 10/2020, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận 1 bệnh nhân nhiễm Whitmore có tiền sử đái tháo đường nhập viện ở giai đoạn muộn khi đã có tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, sau đó tử vong. Đây là thời điểm ở nhiều tỉnh, TP trên cả nước, nhất là miền Trung liên tục ghi nhận các ca nhiễm.
![]() |
Thực hiện xét nghiệm vi sinh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
Được biết, hằng năm trên địa bàn tỉnh phát hiện từ 7-10 ca nhiễm căn bệnh này. Các ca bệnh rải rác ở các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Việt Yên, Hiệp Hòa, chủ yếu là nông dân có tiếp xúc với bùn đất, nước.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Quốc Tuấn, Trưởng Khoa Vi sinh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), Whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn sống trong bùn đất, nước xâm nhập vào cơ thể người qua vết thương hở hoặc hít phải khói bụi, hơi nước, uống nước có nhiễm loại vi khuẩn này.
Tại chỗ xâm nhập, vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây thành các mụn mủ to hoặc ổ áp xe lớn. Nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời, bệnh sẽ diễn tiến trầm trọng, gây sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, dẫn đến tử vong.
Bệnh Whitmore khó chẩn đoán do phần lớn bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng không rõ ràng, diễn tiến nhanh gây tổn thương đa cơ quan. Chẩn đoán bệnh phải dựa trên xét nghiệm vi sinh. Do bệnh cảnh đa dạng, ở những cơ sở y tế chưa thực hiện được xét nghiệm xác định nhiễm vi khuẩn Burkholderia, bác sĩ dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu. Thậm chí, có trường hợp bác sĩ không chẩn đoán nghi ngờ ca bệnh nên không chỉ định xét nghiệm vi sinh dẫn đến bỏ sót ca bệnh. Bệnh dễ tái phát, sức khỏe bệnh nhân suy kiệt do bệnh tái đi, tái lại nhiều lần.
Theo các bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm, bệnh Whitmore thường gặp ở người có tiền sử đái tháo đường hoặc bệnh mạn tính liên quan đến phổi, thận. Nguy cơ mắc quanh năm nhưng có xu hướng tăng mạnh vào tháng 9 đến tháng 11 hằng năm, số người mắc cao ở các vùng lũ, ngập úng.
Đến nay, bệnh chưa có vắc-xin dự phòng. Để phòng bệnh, người dân hạn chế tiếp xúc trực tiếp với các nguồn ô nhiễm; sử dụng bảo hộ (giày, ủng, găng tay, quần áo) khi tiếp xúc với bùn, đất, nước bẩn. Những người có bệnh mạn tính như đái tháo đường và các bệnh suy giảm miễn dịch cần chú trọng chăm sóc, bảo vệ các vết thương hở để ngăn ngừa nhiễm khuẩn từ bùn, đất, nước tù đọng. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm xác định nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei và điều trị kịp thời.
Minh Thu
Ý kiến bạn đọc (0)