Xa xăm chốn cũ
BẮC NINH - Vài lần tôi nói với mẹ, bao giờ thong thả, tôi sẽ dẫn mẹ về con rạch Bông Dừa một lần nữa. Nhưng rồi thời gian, khoảng cách địa lý và nhiều thứ khác đã khiến tôi quên đi lời hứa với mẹ, với rạch Bông Dừa mát rượi được che chắn bởi những rặng dừa xanh biêng biếc…
Rạch Bông Dừa - cái tên vừa dân dã, vừa thơ mộng ấy bất giác lại vang lên trong tâm tưởng của tôi. Ba năm trước, tôi từng đứng ngẩn ngơ trước căn nhà được cất theo kiểu Nam bộ xưa, mái ngói đã đổ sụp, sơn tường cũng loang lổ, cửa nhà đã hỏng một cánh, nền nhà những vụn gạch sụp lún… và thì thào, đủ để một mình tôi nghe thấy: “Nhất định con sẽ về lại đây, vì nơi đây là nguồn cội!”.
Tôi không còn dấu ấn gì nhiều về căn nhà ấy, phần vì khi đó còn quá nhỏ và thời gian thì trôi qua quá nhanh, ngày trở lại, tất cả đã hoang vắng. Ký ức sót lại trong tôi là vườn sầu riêng sum suê, đến mùa trái lúc lỉu. Từ cửa nhà, con đường đổ đá mịn quanh co dẫn ra vườn sầu riêng. Thuở đó, tóc tôi thắt bím đuôi sam, mặc áo trúc bâu màu xanh da trời, quần bông. Những buổi chiều, ba nắm tay tôi bước đi giữa những tia nắng chiều rọi qua tán lá sầu riêng, lung linh như tung muôn ngàn kim tuyến. Tay ba tôi mềm lắm, mẹ nói tay tôi giống ba, bàn tay không giống một người làm lụng vất vả. Nhưng đời ba chưa bao giờ được thảnh thơi, cả vườn sầu riêng một tay ba gây dựng. Ba tôi sống một đời lam lũ, một màu áo cũ phong phanh qua bao mùa nắng mưa. Mỗi khi kể về ba tôi, mắt mẹ ánh lên niềm tự hào sâu sắc. Những ngày cuối tuần mẹ thường bơi xuồng chở tôi sang rạch Bông Dừa thăm ba, mẹ ngồi sau lái, tôi ngồi trước mũi xuồng, thi thoảng đưa tay hái ngọn bông lục bình tím ngắt. Mẹ bảo lục bình là hồn sông nước quê tôi.
![]() |
Minh họa: AI. |
Ba tôi sớm chiều mải miết bên vườn sầu riêng, chăm chút mộ bà tôi, trồng hoa hai bên con đường đổ đá dẫn từ bến sông lên nhà, bởi mẹ tôi vốn rất yêu hoa. Tôi để ý, mỗi lần hai mẹ con sang thăm, ba tôi rất vui. Ba cười, mắt ánh lên niềm hạnh phúc. Ở cái tuổi bé con, tôi hiểu được trong trái tim ba, hai mẹ con tôi chiếm vị trí quan trọng như thế nào. Tôi dụi đầu vào ngực ba. Vườn sầu riêng xanh um, toả bóng mát rười rượi bao bọc lấy ba người chúng tôi. Trước khi đi, mẹ tôi ghé đám rau mùi bên hè hái ít lá cho ba làm thuốc, ba cười hiền lành, lặng lẽ nhìn mẹ... Những chuyến đi thăm ba kéo dài vài năm, cho tới khi mẹ đột ngột không chở tôi xuôi theo rạch Bông Dừa đến thăm ba nữa... tim tôi hẫng một nhịp, tôi thẫn thờ suốt thời gian dài sau đó...
Mãi khi tôi học xong cấp ba, mẹ mới khơi lại chuyện xưa, nhắc nhớ ký ức về ba. Mẹ nói trong nước mắt, tôi được sinh ra trong một hoàn cảnh không bình thường. Ngày ấy, mẹ vì trót tin một người đàn ông xa lạ mà rời bỏ căn nhà với vườn sầu riêng của ba tôi, rời khỏi con rạch Bông Dừa bước đi theo người đàn ông với lời hứa sẽ mang đến cho mẹ cuộc sống ấm no, sung túc. Mẹ lau nước mắt thú nhận, hồi ấy mẹ thấy mình không thuộc về cái xứ khỉ ho cò gáy này, mẹ không thể quanh quẩn suốt ngày trong nhà với những công việc nhàm chán như nấu cơm, rửa bát… Mẹ não lòng khi nghe tiếng vạc kêu sương mỗi chiều, ngán cảnh đêm đêm cúp điện, xóm vắng tanh không bóng người…
“Em là người của phố thị. Em phải sống ở nơi cao sang, ra đường có xe hơi đưa đón…” - Lời người đàn ông năm đó vẫn còn trong tiềm thức của mẹ, ám ảnh cả những giấc mơ. Rồi mẹ rời khỏi rạch Bông Dừa vào những ngày đầu mùa mưa. Khi ấy, mẹ không hề hay biết đã có một mầm sống trong cơ thể đang phát triển từng ngày. Mầm sống ấy chính là tôi...
Những ngày ở phố thị của mẹ không lâu. Cái viễn cảnh mà người đàn ông xa lạ kia vẽ ra cho mẹ tôi không như mong đợi của mẹ. Phát hiện mẹ tôi có mang, người đàn ông xa lạ kia trở mặt, phụ bạc mẹ như chính cái cách mà mẹ đã phụ bạc ba tôi. Sắp đến kỳ sinh nở, mẹ quyết định trở về quê, bởi dẫu sao ở quê cũng dễ sống. Khi ấy, mẹ tôi đã học cách chấp nhận… Nhưng mẹ không về với ba tôi. Mẹ nhờ người dựng căn nhà lá nhỏ ở xóm bên, trên phần đất mà ngày xưa ông ngoại tôi để lại và sống những tháng ngày cơ cực. Tôi được sinh ra trong một đêm trăng, bằng tất cả sự nỗ lực của mẹ tôi để giữ lấy một hài nhi bị nhau quấn mấy vòng trên cơ thể bé nhỏ. Tôi lớn lên, nửa giống mẹ, nửa giống ba. Càng lớn, tôi thấy mình càng giống ba. Trong ký ức của tôi, ba nhân từ và tôi tin rằng chưa bao giờ ba tôi thù hận mẹ… Mẹ tôi kể chuyện xưa trong nước mắt. Tôi ngồi bên mẹ, cũng sụt sùi theo. Lau nước mắt khô, mẹ khẽ hỏi tôi:
- Con có giận mẹ vì đã phụ bạc ba không?
Tôi thẫn thờ trong thoáng chốc, rồi lắc đầu:
- Không, mẹ ơi! Con đủ lớn để hiểu rằng, đời người ai cũng có khi lầm lạc.
Mẹ tôi cúi mặt.
Tôi buột miệng hỏi tiếp:
- Mẹ ơi, vậy sao ngày ấy mẹ lại không đưa con sang thăm ba? Từ nhà mình đến rạch Bông Dừa, có xa xôi gì đâu, mà một khoảng thời gian rất dài mẹ con mình không đến. Ba chờ…
Mẹ nhìn sâu vào mắt tôi, rồi thều thào:
- Vì ba con cũng cần có hạnh phúc riêng. Ngày đó, mẹ hiểu ba vẫn cần một người phụ nữ để chia sẻ, cảm thông, gánh vác việc nhà, vun đắp yêu thương. Nhưng người đó không thể là mẹ được. Mẹ có lỗi với ba con lắm, suốt đời vẫn không thể xoá hết lỗi lầm…
Tôi oà lên nức nở như một đứa trẻ. Hình như đã lâu lắm rồi tôi mới khóc, nước mắt cứ tuôn ra như mưa đầu mùa. Trong đầu tôi chập chờn hình ảnh của ba đứng trên bờ vẫy vẫy bàn tay theo mẹ con tôi trong buổi chiều cuối cùng tôi còn gặp ba…Từ ngày đó, tôi vĩnh viễn không còn được nhìn thấy ba tôi. Ba tôi đã ra đi trong buổi chiều đầy gió không lâu sau đó, vì cơn đau tim bất chợt. Nhưng ba không nhắm mắt...
Tôi trở về chốn xưa, lần theo con đường đổ đá ra vườn sầu riêng cũ, nay đã đổi chủ. Ở đó có mộ phần của ba tôi. Màu mộ hiền như đất. Xung quanh mộ có hoa thơm cỏ lạ mọc đầy. Tôi quỳ trước mộ ba tôi.
- Mẹ à, từ nay con sẽ về thăm mộ ba thường xuyên, con nhớ ba lắm. Mấy đêm nay con nằm mơ thấy ba hoài. Ba lại nắm tay con từ chiếc xuồng nhỏ bước lên bờ như hồi xưa. Tay ba mềm lắm…
Mẹ nhìn tôi, mắt mẹ đã mờ đi nhiều nhưng mẹ vẫn còn đẹp lắm, nét đẹp của cô gái quê ngày xưa vẫn in hằn không phai:
- Ừ, mẹ cũng nhớ ba, thương ba. Trong lòng mẹ, ba vẫn luôn đẹp nhất.
Tôi ngả đầu vào vai mẹ. Vai mẹ cũng mềm tựa bàn tay của ba tôi...
Ý kiến bạn đọc (0)