Bút Xương Giang - những cánh thơ chao nghiêng theo gió
BẮC NINH - Có một nhóm bút thơ xuất hiện bốn năm nay bước đầu ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc với tên gọi nhóm bút Xương Giang, khởi xướng là các nhà thơ Đoàn Huy Cảnh, Chu Ngọc Phan, Ngô Trọng Bình.
Hiện nay, nhóm bút Xương Giang có 13 thành viên do nhà thơ Đoàn Huy Cảnh làm chủ nhiệm, hầu hết là cựu chiến binh, nhà giáo, công nhân, công chức, doanh nhân... đã nghỉ hưu, nhiều người trong số họ là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. Người có đầu sách nhiều nhất là Chu Ngọc Phan chừng 20 cuốn, người ít cũng 3 cuốn.
Dĩ nhiên đầu sách nhiều ít không đánh giá thực chất tài năng tác giả, chất lượng tác phẩm nhưng đã thể hiện lao động đích thực của các thành viên trong nhóm bút. Nhìn chung, qua dư luận độc giả và giới văn nghệ tỉnh, nhóm thực sự có nhiều cây bút chững chạc, xuất hiện trên báo chí trung ương, địa phương như: Tân Quảng, Đinh Tiến Hải, Dương Văn Hiệp, Đặng Bá Khanh, Trần Thị Thanh Thủy, Đoàn Huy Cảnh... Trong số đó, nhà thơ Tân Quảng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
![]() |
Lâu nay trên địa bàn tỉnh cũng xuất hiện nhiều câu lạc bộ/nhóm thơ nhưng không ít trong số đó đã tan rã. Người xưa nói “dựng chùa thì dễ, giữ lễ thì khó”, sự tồn tại của câu lạc bộ/nhóm thơ, văn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ngoài niềm đam mê thì còn đòi hỏi sự quản lý khoa học, tinh tế, hoạt động cụ thể, thiết thực và nguồn tài chính phù hợp. Tất cả điều đó được thực hiện khá chu toàn ở nhóm bút Xương Giang với người chủ nhiệm đầy nhiệt huyết, trách nhiệm - người từng là cán bộ quản lý giàu kinh nghiệm trong một doanh nghiệp có tiếng trong tỉnh.
Lịch sinh hoạt của nhóm bút Xương Giang 2 tháng/lần theo chủ điểm của sự kiện của quê hương, đất nước. Hoạt động cũng rất phong phú: Đi thực tế sáng tác trong và ngoài tỉnh, tổ chức trao đổi thơ, giới thiệu, quảng bá tác phẩm mới của tác giả, kêu gọi xã hội hóa tài trợ... Các thành viên luôn đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhau.
Cuối tháng Năm vừa rồi, nhóm bút ra tập thơ đầu tay có tên “Xương Giang”, tập hợp thơ của 12 tác giả. Trong đó, 5 cây bút nữ với tâm hồn đa cảm, có góc nhìn cuộc sống đa chiều và tấm lòng đôn hậu, tinh tế mà vẫn tạo ra những hiệu ứng bất ngờ, trăn trở về đời sống, tình người và khát khao hạnh phúc. Mỗi người một cá tính thơ trong cái chung vốn có với những câu thơ đầy ấn tượng. Đó là Trần Thị Chung đầy day dứt “Tầm gửi dẫu nằm trong lá/ Nào biết thương cây già nua/ Chỉ nắng ngời nuôi sắc lá/ Thương cây trước mỗi chuyển mùa”. Một Ngọc Mai ngổn ngang nỗi niềm “Chị đi chiều rụng ngổn ngang/ Để lời ru với hoa xoan tím bầm”. Bạn yêu thơ cũng gặp một Hà Thao với góc nhìn sâu lắng “Tôi trở lại thăm biên cương, cột mốc/ Cỏ mướt xanh mà rễ vẫn tím bầm” hay một Trần Thị Thanh Thủy đa cảm “Trên chai rượu phía góc nhà/ Dấu vân tay cũ đã ngà ngà say… Vắng trà mốc cả mùa đông/ Ấm ôm cái rét nằm trông bức tường”.
Đối với những cây bút nam như Đinh Tiến Hải, Tân Quảng, Dương Văn Hiệp thực sự ám ảnh bao người với cách cảm, cách nghĩ, đan xen ảo và thực, trí tưởng tượng vô cùng phong phú, như có tiếng vọng đằng sau ngôn từ. Những câu thơ nhiều tầng bậc. Tứ thơ lạ. Đọc thơ họ phải chậm rãi, suy ngẫm, lý giải: “Lưng chiều/ Lòng buồn như mắt lưới/ Va vào đâu cũng mắc cạn” (Đinh Tiến Hải); “Những mười chín đôi mươi thành tiếng nấc/ Tóc mẹ trắng xa, mây thì vẫn nơi này” (Dương Văn Hiệp); “Bờ tre đẫm khói liêu xiêu/ Khói làm dây buộc con diều trăng non” (Tân Quảng)…
Những hồn thơ như Đặng Bá Khanh, Đoàn Huy Cảnh, Nguyễn Chí Diễn, Ngô Trọng Bình lại nặng lòng với tình yêu quê hương, đất nước, đồng đội bằng tâm thức, cảm thức rất đỗi tha thiết và chân thành, gửi gắm bao mong ước: “Vục một gầu cửa Phật/ Chợt thấy lòng an yên” (Đặng Bá Khanh); “Sông in bóng những mái chùa trầm mặc/ Để giữ dòng trôi man mác cõi thiền” (Đoàn Huy Cảnh); “Tiếng cười ẵm cả giấc mơ/ Tiếng buồn nhỏ giọt thẫn thờ chiều xuân” (Ngô Trọng Bình); “Lũy tre nhuộm tuổi thơ tôi/ Xanh vào câu hát đưa nôi của bà” (Nguyễn Chí Diễn)…
Điều rất mừng ở nhóm thơ hội tụ rất nhiều phong cách này, mỗi cây bút đều có cá tính riêng không thể trộn lẫn và đang vượt lên chính mình trong việc chấp nhận tìm tòi hoặc phá bỏ trong trào lưu thơ hiện nay. Tập thơ “Xương Giang” xuất hiện trong làng thơ một cách rất chững chạc, góp phần nâng cao vị thế của nhóm bút Xương Giang trong đời sống văn học nghệ thuật tỉnh nhà.
Ý kiến bạn đọc (0)