Nhớ một thời "xếp bút nghiên lên đường ra trận"
BẮC NINH - Trong những năm tháng sục sôi đánh Mỹ, tỉnh Bắc Ninh có hàng trăm nhà giáo tình nguyện rời mái trường, tạm biệt học sinh thân yêu để lên đường vào mặt trận phía Nam chiến đấu, góp sức vào sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc.
Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc
Ký ức "đi B" (làm nhiệm vụ cách mạng bí mật ở chiến trường miền Nam) không thể xóa nhòa trong tâm trí của nhà giáo Đỗ Thành Ý (sinh năm 1940), ở phường Võ Cường. Ngày ấy, thầy Ý đang giảng dạy tại Trường Trung học phổ thông Hàn Thuyên. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, thầy tình nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ, được bổ sung vào đoàn cán bộ Giáo dục - Y tế "đi B" năm 1972. Đó là những ngày vượt núi rừng Trường Sơn đi bộ vào Nam phồng rộp bàn chân, mắc võng ngủ rừng, uống nước suối trong nỗi lo giặc Mỹ rải chất độc da cam khắp những cánh rừng đại ngàn.
![]() |
Thầy giáo thương binh Trần Thế Tân trò chuyện với học sinh trên địa bàn xã Quang Trung. |
Thầy Đỗ Thành Ý chia sẻ: “Ngày đó, chúng tôi đều thấu hiểu, khi Tổ quốc cần, mỗi người sẵn sàng gác lại hạnh phúc riêng để lên đường. Vào chiến trường, tôi được giao nhiệm vụ làm công tác tổng hợp, tuyên truyền tại Tiểu ban giáo dục miền Nam, thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam (đóng quân tại tỉnh Tây Ninh). Hằng ngày, chúng tôi phải nghe đài, đọc báo để nắm bắt tin tức về giáo dục, đặc biệt là tình hình giáo dục ở miền Bắc và vùng tạm chiếm để có những bài tuyên truyền phù hợp”.
Vào chiến trường, các nhà giáo phục vụ ở nhiều mặt trận: Vừa tuyên truyền, dạy bổ túc văn hóa cho cán bộ cách mạng, đưa chiến sĩ bị thương ra ngoài vùng địch, vừa chiến đấu trong những trận càn ác liệt hoặc hoạt động âm thầm trong các đô thị miền Nam, tham gia phát triển nền giáo dục giải phóng ở căn cứ lõm và vùng địch hậu. Là những nhà giáo đứng trên bục giảng truyền cho học sinh lòng yêu nước, niềm tự hào về truyền thống quê hương nên khi bước vào chiến trường, ai cũng gương mẫu, chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội. Thường xuyên đối mặt với mưa bom, bão đạn, chất độc hóa học, nhiều người đã anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần thân thể nơi chiến trường. Không ít nhà giáo bị địch phát hiện, khủng bố gắt gao buộc phải thay tên, đổi họ để hoạt động và giảng dạy. Nhiều người bị địch bắt tù đày nhưng vẫn giữ vững khí tiết của người trí thức cách mạng. Tiêu biểu như nhà giáo Giáp Văn Mạo (ở phường Đa Mai) đã từng bị địch bắt, đầy ra Côn Đảo với nhiều hình thức tra tấn man rợ.
Khó có thể kể hết được những tấm gương anh dũng chiến đấu và những đau thương, mất mát của các thầy giáo - những chiến sĩ kiên trung. Ở Tây Ninh, rất nhiều nhà giáo của tỉnh Bắc Ninh đã hy sinh trước ngày đất nước thống nhất, để lại những dòng tên lặng lẽ trên tấm bia tưởng niệm được xây dựng trên đồi 82. Nhiều thầy giáo, cô giáo bị địch bắt trong các trận đánh ác liệt. Dù bị tra tấn dã man nhưng các thầy, cô vẫn im lặng, quyết không khai để bảo vệ đồng đội. Bất lực trước sự kiên cường của các nhà giáo, quân địch đã tẩm xăng thiêu sống thầy Nguyễn Văn Tưởng (xã Tân Yên).
Sáng mãi phẩm chất người thầy
Toàn tỉnh có hơn 200 nhà giáo đã "xếp bút nghiên lên đường ra trận". Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhiều nhà giáo trở về quê hương, tiếp tục giảng dạy. Như nhà giáo Đỗ Thành Ý trở lại Trường Trung học phổ thông Hàn Thuyên năm 1976, vẫn miệt mài cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”, sau này, giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hàn Thuyên. Sau khi nghỉ hưu, với mong muốn tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, thầy Ý cùng một số người đứng ra thành lập Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du (cơ sở giáo dục ngoài công lập).
"Hằng năm, vào dịp 27/7, Sở Giáo dục và Đào tạo đều tổ chức các đoàn thăm hỏi, tặng quà một số gia đình nhà giáo liệt sĩ, thương binh, bệnh binh để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc những người thầy đã cầm súng chiến đấu, anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc" - Ông Nguyễn Văn Thêm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Ninh. |
Hay như nhà giáo Nguyễn Xuân Chúc sau khi thôi phục vụ trong quân ngũ trở về giảng dạy ở nhiều trường của huyện Tân Yên lúc bấy giờ (xã Tân Yên ngày nay) và được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Không chỉ là bạn chiến đấu, không ít nhà giáo "đi B" đã nên duyên vợ chồng. Như vợ chồng nhà giáo Đồng Duy Điệp (sinh năm 1945) và Nguyễn Thị Kiến (sinh năm 1944) đã cùng nhau làm nhiệm vụ tại một bệnh viện dã chiến nơi chiến trường ác liệt. Gắn bó với nhau trong những ngày gian khổ nhất của chiến tranh, hòa bình lập lại, hai nhà giáo đồng hương tỉnh Hà Bắc lúc bấy giờ đã trở thành bạn đời, về quê hương dạy học tại Trường Trung học cơ sở Kinh Bắc và Trường Trung học cơ sở Vũ Ninh.
Hiện nay, các nhà giáo "đi B" đã ở tuổi xưa nay hiếm song hằng năm vẫn tề tựu gặp mặt ôn lại những kỷ niệm về một thời hào hùng, oanh liệt. Trong các giờ học ngoại khóa, nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã mời các nhà giáo từng tham gia kháng chiến chống Mỹ kể chuyện lịch sử cho học sinh nghe về những trận đánh ác liệt để các em hiểu rõ hơn giá trị, ý nghĩa lớn lao của cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc, trong đó có những đóng góp to lớn của các thầy giáo, cô giáo quê hương Bắc Ninh. Tiêu biểu như thầy giáo Trần Thế Tân - một tấm gương sáng về ý chí, nghị lực vượt khó quê ở xã Quang Trung. Từ mái trường tiểu học Ngọc Thiện, thầy đã viết tâm thư bằng máu xung phong vào chiến trường. Tham gia nhiều trận đánh ác liệt, thầy Tân bị địch bắt tù đầy tại nhà tù Biên Hòa. Giặc Mỹ tra tấn bằng cách cưa chân trái nhưng thầy vẫn quyết trí không khai những thông tin về đồng đội. Hòa bình lập lại, với tỷ lệ tổn thương cơ thể 86%, phải sử dụng nạng để di chuyển song thầy vẫn tiếp tục dạy học, kể lại những trận đánh lịch sử để giáo dục lòng yêu nước cho các thế hệ học sinh.
Em Hà Phương Anh, học sinh Trường Trung học phổ thông Chu Văn An (phường Chũ) chia sẻ: “Được nghe những câu chuyện thời chiến từ các nhân chứng lịch sử của các thầy, cô - những người đã “vào sinh, ra tử”, em càng thêm hiểu và tự hào về truyền thống hào hùng của dân tộc. Em thấy mình cần phải có trách nhiệm hơn trong học tập, rèn luyện, không ngừng trau dồi bản thân để xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, đền đáp công ơn của các thế hệ đi trước”.
Ông Nguyễn Văn Thêm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Hằng năm, vào dịp 27/7, Sở Giáo dục và Đào tạo đều tổ chức các đoàn thăm hỏi, tặng quà một số gia đình nhà giáo liệt sĩ, thương binh, bệnh binh để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc những người thầy đã cầm súng chiến đấu, anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc".
Ký ức một thời hoa lửa đã lùi xa nhưng tinh thần bất khuất, lòng yêu nước và tình yêu tri thức của những người thầy "đi B" để lại sẽ mãi là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập, noi theo trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.
Ý kiến bạn đọc (0)