Tái sử dụng phụ phẩm - “chìa khóa” của nông nghiệp tuần hoàn
BẮC NINH - Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, khuyến khích hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong tỉnh Bắc Ninh sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn là hướng đi bền vững góp phần nâng cao giá trị thu nhập, hiệu quả kinh tế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Đa dạng các mô hình kinh tế tuần hoàn
Gia đình ông Hoàng Đình Quê, tổ dân phố Quỳnh Sơn, phường Tân An đang thực hiện mô hình trang trại tổng hợp, bao gồm: Chăn nuôi 2.500 con lợn/lứa, 12.000 con vịt, 400 con dúi, trồng 4.500 m2 dưa lưới trong nhà kính. Quy mô chăn nuôi lớn, lượng chất thải từ lợn lên đến 500-700 kg/ngày. Để khắc phục tình trạng chất thải từ chăn nuôi, ông Quê chuyển đổi từ mô hình chuồng hở sang chuồng khép kín để nuôi lợn. Theo đó, ông đầu tư xây dựng 300 m2 bể nuôi giun quế để xử lý nguồn phân lợn, sử dụng phân giun quế bón cho trang trại trồng dưa lưới. 4 dẫy chuồng rộng khoảng 4.000 m2 chăn nuôi lợn hầu như không có mùi hôi thối.
![]() |
Ông Hoàng Đình Quê với mô hình nuôi giun quế để xử lý chất thải chăn nuôi. Ảnh: Nguyễn Hưởng. |
Ông Quê cho biết: “Những năm trước đây, lượng chất thải từ chăn nuôi lên đến hàng trăm tấn/năm dẫn đến ô nhiễm môi trường, khiến tôi rất vất vả để xử lý. Năm 2017, tôi đầu tư xây 6 bể nuôi giun quế, tổng diện tích khoảng 300 m2. Nguồn thức ăn nuôi giun quế là toàn bộ phân lợn từ trang trại thải ra. Ngoài ra, tôi còn tận dụng phân giun quế làm phân bón cho trang trại công nghệ cao rộng 4.500 m2 chuyên trồng dưa lưới trong nhà kính. Nhờ áp dụng sản xuất theo hướng tuần hoàn hữu cơ, tình trạng ô nhiễm môi trường được khắc phục, nâng cao hiệu quả kinh tế. Hiện tại, từ mô hình gia đình tôi có thu nhập từ 1-1,5 tỷ đồng/năm”.
Thăm quan trang trại chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt rộng gần 1,2 ha của gia đình ông Trịnh Bá Biện ở thôn Xuân Hội, xã Tân Chi, chúng tôi thấy trang trại được bố trí khoa học gồm 4 sào ao thả cá, 300 m2 chuồng trại nuôi gần 40 con bò các loại, 200 m2 bể nuôi giun quế; gần 100 m2 nhà kho chứa cỏ, rơm và các loại thức ăn cho bò và gần 6 sào trồng cỏ kết hợp trồng cây ăn quả, nuôi ngan, vịt, gà… Ông Biện cho biết mỗi năm từ mô hình chăn nuôi bò theo hướng kinh tế tuần hoàn gia đình ông có thu nhập khoảng 400 triệu đồng.
Đáng ghi nhận là mặc dù khu chuồng trại chăn nuôi nằm ngay sát nhà ở của gia đình nhưng không gây ô nhiễm môi trường bởi toàn bộ nước thải được thu gom, xử lý bằng 3 bể biogas. Chất thải rắn được thu gom làm nguyên liệu, thức ăn nuôi giun quế. Nguồn thức ăn chủ yếu của bò được tận dụng từ cám gạo, bã rượu, cỏ voi tự trồng, rơm rạ…Ông Biện cho biết thêm: “Với 3 bể nuôi giun quế diện tích khoảng 150m2 có thể xử lý được toàn bộ chất thải rắn từ đàn bò và đem lại sản lượng khoảng 5-7 kg giun quế mỗi ngày”.
Xu hướng tất yếu
Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Toàn tỉnh hiện có gần 200 hộ, trang trại áp dụng quy trình sản xuất theo hướng tuần hoàn hữu cơ, điển hình như: Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ liên kết với tiêu thụ sản phẩm; mô hình sản xuất nấm; trồng cỏ kết hợp nuôi bò thịt, bò sinh sản tại các khu chăn nuôi tập trung; mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ sau thu hoạch ngay tại ruộng để làm phân bón hữu cơ cho sản xuất lúa vụ sau…
Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín, chất thải và phế phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình khác thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý. Nhờ đó nông dân sẽ khai thác và sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu sự lãng phí, thất thoát sau thu hoạch, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, nhất là giảm thiểu và đi đến triệt tiêu chất thải gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người. |
Những năm qua, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đẩy mạnh phát triển nông nghiệp. Trong đó chú trọng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn. Nhờ đó, nhiều địa phương phát triển và mở rộng được nhiều mô hình nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn có ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế này còn ở mức khiêm tốn, hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, các mô hình tái chế và tận thu phụ phẩm trong nông nghiệp chưa phát triển. Nguyên nhân là do nhận thức của người dân về nông nghiệp tuần hoàn còn hạn chế; ruộng đất manh mún, khó tích tụ; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ; đặc biệt là còn thiếu các căn cứ pháp lý, cơ chế chính sách…
Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, nhiều ý kiến cho rằng, trước hết cần nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và nông dân. Trong đó, cần nhấn mạnh vai trò của người sản xuất, doanh nghiệp trong phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm hướng đến tư duy sản xuất có trách nhiệm, sử dụng tài nguyên hợp lý.
Cùng với đó, cần tạo động lực để các địa phương, doanh nghiệp, nông dân đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn thông qua hỗ trợ vốn, công nghệ, tìm kiếm thị trường. Khuyến khích các cơ sở nghiên cứu, nhà khoa học trong việc nghiên cứu, phát triển công nghệ mới; rà soát, bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiêp tuần hoàn...tế trang trại. Xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất trong đó phân định rõ vai trò của từng thành tố, tiến tới chuyên môn hoá, hệ thống hoá gắn chặt với ứng dụng các tiến bộ khoa học.
Ý kiến bạn đọc (0)