Thương mại điện tử - xu thế tất yếu trong sản xuất, kinh doanh
Tăng bậc xếp hạng chỉ số TMĐT
Chị Nguyễn Thị Huyền Tâm, phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) chia sẻ, vụ vải thiều vừa qua, chị muốn biếu bạn ở TP Vinh (Nghệ An) ít quả làm quà nhưng ngặt nỗi không lên tận vườn tại Lục Ngạn chọn được. Thông qua facabook, chị biết đến chị Giang Thị Hiên, thị trấn Chũ (Lục Ngạn) bán hàng trái cây qua mạng. Sau vài dòng tin nhắn trao đổi, thỏa thuận, chị Tâm đã đặt được vải thiều gửi cho bạn mà chỉ cần vài thao tác trên điện thoại di động như: Chuyển tiền vào tài khoản, thông tin địa chỉ người nhận.
![]() |
Nhiều sản phẩm của HTX Rau sạch Yên Dũng được tiêu thụ qua kênh bán hàng online. |
Chị Tâm nói: “Dù tôi không trực tiếp chọn sản phẩm nhưng khi nhận được hàng, người bạn của tôi ở Vinh rất phấn khởi, bảo vải tươi, ngon nên người tặng cũng yên tâm. Sau chuyến đó, tôi đều đặt hàng ở mối này gửi cho một số người thân ở Yên Bái, Quảng Ninh”.
Công ty cổ phần Trí Việt (TP Bắc Giang) là một trong những doanh nghiệp (DN) từ sớm đã khai thác thế mạnh của TMĐT. Thành lập từ năm 2013, Công ty kinh doanh nội thất, thiết bị vệ sinh và tủ bếp. Doanh thu mỗi năm hàng chục tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Đệ, Giám đốc Công ty nói: “Hiện nay, người tiêu dùng thường bận rộn, không có nhiều thời gian nghe tư vấn trực tiếp. Vì thế, DN lập các trang fanpage bán hàng, chạy quảng cáo trên mạng xã hội, chuyển tải các hình ảnh về sản phẩm để khách hàng tiện tìm hiểu. Qua đó khách hàng đến với DN ngày càng tăng. Giao dịch TMĐT cũng từ đó tăng dần, chiếm khoảng 10% doanh thu mỗi năm”.
Nhiều DN, HTX sản xuất, tiêu thụ nông sản trong tỉnh cũng tiêu thụ đáng kể lượng sản phẩm qua kênh bán hàng online và quảng bá, giới thiệu sản phẩm như: HTX Lợn sạch Tín Nhiệm, Công ty cổ phần Thiên An (TP Bắc Giang); HTX Rau sạch Yên Dũng, xã Tiến Dũng (Yên Dũng)…
Theo Sở Công Thương, những năm gần đây các hoạt động kinh doanh, buôn bán thông qua mạng trực tuyến tăng cao. Đặc biệt, dịch Covid-19 tác động đến thói quen mua sắm của người dân, nhiều DN cũng thay đổi chiến lược kinh doanh từ truyền thống sang TMĐT.
Tỷ lệ người mua sắm thông qua TMĐT tăng và giá trị của một giỏ hàng mua sắm trực tuyến đã gấp ba lần giá trị của một giỏ hàng truyền thống, góp phần nâng chỉ số TMĐT của tỉnh qua các năm. Năm 2017, chỉ số TMĐT của Bắc Giang xếp thứ 18 thì năm 2018 tăng 2 bậc, năm 2019 xếp thứ 13 của cả nước. Kết quả này phản ánh TMĐT tại Bắc Giang có bước tiến mới, được người dân, DN quan tâm khai thác.
Đào tạo nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ
Ông Nguyễn Văn Tập, Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu (Sở Công Thương) cho biết, bên cạnh thuận lợi thì giao dịch TMĐT vẫn tiềm ẩn một số rủi ro. Một số người nhận được sản phẩm không như mong muốn do tiếp cận trang mạng, website không uy tín. Một số tài khoản mạng lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người tiêu dùng mà bán hàng thiếu trung thực. Ngoài ra, giao dịch TMĐT vẫn khó quản lý về thuế và một số vấn đề khác như chất lượng, nguồn gốc sản phẩm.
![]() Để thúc đẩy TMĐT mạnh hơn trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, hiện nay Sở đang xây dựng dự thảo, tham mưu với UBND tỉnh phát triển TMĐT giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung đi sâu vào ứng dụng các phần mềm điện tử ở cấp độ cao hơn, tăng giao dịch TMĐT". Ông Nguyễn Văn Tập, Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu (Sở Công Thương). |
Để phát triển TMĐT, Bắc Giang đã phê duyệt Kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh giai đoạn 2016-2020. Theo đó, Sở Công Thương chủ trì thực hiện các nội dung như: Tuyên truyền nâng cao nhận thức về TMĐT; phát triển và ứng dụng công nghệ, dịch vụ TMĐT; củng cố tổ chức, nâng cao hiệu quả và năng lực quản lý nhà nước về TMĐT; hỗ trợ DN ứng dụng TMĐT...
Theo ông Nguyễn Văn Tập, giai đoạn 2016-2020, TMĐT ở bước khởi đầu nên ngành giúp người dân, DN tiếp cận dần với lĩnh vực mới. TMĐT là xu thế tất yếu trong thời kỳ hội nhập. Do đó, để thúc đẩy mạnh hơn TMĐT trên địa bàn tỉnh, hiện nay Sở đang xây dựng dự thảo, tham mưu UBND tỉnh phát triển TMĐT giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung đi sâu vào ứng dụng các phần mềm điện tử ở cấp độ cao hơn, tăng giao dịch TMĐT.
Cùng với đó, các DN cần nhanh nhạy nắm bắt việc đưa các công nghệ mới về thị trường. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách về thúc đẩy và phát triển TMĐT; phát triển hạ tầng TMĐT, nhất là hạ tầng kỹ thuật cốt lõi, hạ tầng thông tin và nền tảng phát triển, triển khai ứng dụng, cơ sở dữ liệu. Đào tạo và phát triển nhân lực TMĐT cả về quản lý, triển khai, ứng dụng.
Trường Sơn
Ý kiến bạn đọc (0)