Thương nhớ cầu tre
BẮC NINH - Hơn hai mươi năm xa quê, tôi nhẩm tính bằng những cái Tết không trọn vẹn, những lần trở về vội vàng rồi lại rời đi.
Quê nhà giờ đây đã thay da đổi thịt, khác nhiều so với ngày xưa. Những đoạn đường đất đỏ được thay bằng đường nhựa phẳng lì, sạch sẽ và ngăn nắp. Những ngôi nhà tầng chen nhau mọc lên cao vút, khoe mái ngói đỏ tươi. Người ta cũng xây hàng rào gạch, tường bao xi măng thay cho những bụi tre, râm bụt, chè tàu… Tất cả, cái gì cũng mới, cũng đẹp, cũng tiện nghi nhưng lòng tôi luôn cảm thấy thiêu thiếu một điều gì đó.
![]() |
Minh họa: AI |
Tĩnh sâu trong lòng, tôi nhận ra mình thiếu cảm giác bình yên bên chiếc cầu tre chênh vênh ngày cũ. Nơi mà lúc nào tôi cũng tưởng tượng nhắm mắt là có thể bước ra, đặt chân lên từng thanh tre đượm màu rêu ẩm, nghe tiếng lách tách dưới gót chân và gió nhẹ lùa qua giàn mướp bên trên đầu. Ấy vậy mà, giờ nó đã trở thành một phần ký ức nhòe phai, day dứt, gần gũi mà xa xôi đến nghẹn ngào.
Hồi nhỏ, tôi gắn bó với cầu tre như một người bạn thân thiết. Chiều chiều tôi thường ra cầu tre ngồi, duỗi chân thõng xuống mặt ao đang li ti gợn sóng, nhìn mẹ vớt những cụm bèo xanh non. Bóng dáng mẹ gầy gò in xuống mặt nước, đôi tay thoăn thoắt đưa chiếc vợt tre, nhẹ nhàng gom từng vốc bèo xanh mướt, vắt cho róc nước rồi để vào chiếc thau nhôm bên cạnh. Mẹ bước chân lên cầu tre, vệt bùn dính đầy phù sa, mềm mịn và thơm tanh như một thứ kỷ niệm không rửa là sạch. Tôi nhớ cả cái cách mẹ đưa tay lên vén tóc, lau vội mồ hôi trên trán, miệng cười hiền khi thấy bóng dáng tôi lon ton chạy ra: “Lại ra nghịch nữa hả? Coi chừng trượt chân té xuống ao bây giờ!”.
Cây cầu tre ấy, in bóng hình cha tôi, già nua lặng lẽ, chiều nào đi làm đồng về cha cũng mang cần câu ra ngồi ở đầu cầu. Cha tôi trầm lắng, ngồi đó, thả phao xuống mặt nước, để mặc cho thời gian chầm chậm trôi theo làn gió. Tôi ngồi kế bên cha, đưa tay chống cằm, nhìn phao đung đưa hoặc nằm ngửa ra, mắt dõi theo những đám mây trôi lững lờ trên trời, tai lắng nghe cha kể chuyện đời, chuyện đời lính và cả những ước mơ ngày xưa còn dang dở. Lạ thay, có những câu chuyện nghe đến thuộc lòng mà tôi vẫn muốn nghe. Tiếng cha tôi thủ thỉ, rót những bình yên vào đời.
Tôi nhớ những trưa hè oi ả, hai chị em kéo nhau ra cầu tre ngồi đong đưa, túm tụm kêu lũ bạn tới chơi trò con nít như thả lá mít, lá chuối, câu cá bằng ghim rồi cười rộn rã cả mặt ao. Có những hôm buồn, tôi trốn ra cầu một mình ngồi bó gối, thả ánh mắt xuống làn nước đục ngầu sau mưa. Tôi nhớ cả những đêm trăng sáng, khi nhà nhà tắt điện đi ngủ sớm, cả xóm tối om, chỉ còn ánh trăng dát vàng lên mặt ao. Mẹ bắc nồi ngô nếp, cha châm ấm trà, cả nhà kéo nhau ra ngồi bên cầu tre, vừa ăn ngô vừa thưởng trà và nghe cha kể chuyện. Chẳng cần bàn ghế sang trọng, chẳng cần đèn điện, chỉ có tiếng côn trùng, tiếng lá tre xào xạc và một ánh trăng tròn, thế là đủ ấm cả tuổi thơ tôi.
Nhưng rồi đường làng được mở rộng, cầu tre phải dỡ để làm lối đi mới. Cha tôi là người tháo nó xuống, từng khúc tre một, mắt ông đỏ hoe, còn tôi thì đứng nhìn như đứa trẻ mất đồ chơi. Không ai khóc, nhưng tôi biết, trong lòng ai cũng ngổn ngang những xúc cảm. Một nỗi tiếc nuối không thể gọi tên, chỉ biết rằng sau hôm ấy, quê nhà như hụt mất một phần hơi thở thân quen…
Ý kiến bạn đọc (0)