Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế, tạo đà tăng trưởng hai con số
BẮC NINH - Chiều tối 22/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2025, tạo đà tăng trưởng hai con số giai đoạn tiếp theo.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các hiệp hội, doanh nghiệp. Hội nghị được truyền trực tuyến tới điểm cầu các Đại sứ quán, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các tỉnh, thành phố.
Đồng chí Mai Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh dự và chủ trì tại điểm cầu tỉnh Bắc Ninh; cùng dự có đại diện lãnh đạo một số đơn vị, sở, ngành tỉnh.
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Hội nghị đánh giá, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; ở trong nước, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, cơ quan, địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình, phản ứng kịp thời; chủ động, tích cực triển khai nhiều nhóm biện pháp thúc đẩy quan hệ ngoại giao, chính trị, an ninh - quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư với các đối tác, nhất là các nước lớn.
Trong gần 50 hoạt động đối ngoại của lãnh đạo chủ chốt 6 tháng đầu năm 2025, nước ta đã nâng cấp quan hệ với 10 nước, ký kết 253 thỏa thuận hợp tác, gấp đôi năm 2024, trong đó kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ là trọng tâm. Trong 6 tháng năm 2025, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã triển khai gần 300 hoạt động ngoại giao kinh tế, xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch; hỗ trợ địa phương tổ chức hơn 150 hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư của các địa phương ở trong và ngoài nước; hỗ trợ các tỉnh, thành ký kết 30 thỏa thuận với các đối tác quốc tế.
Hoạt động đối ngoại đã góp phần để tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng tích cực. Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2025 đạt 7,52%, là mức cao nhất trong 15 năm qua, cao nhất ASEAN và thuộc nhóm dẫn đầu thế giới...
Các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cho biết, sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện các chương trình, hoạt động đối ngoại thực chất, hiệu quả, trong đó trọng tâm về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; góp phần cùng đất nước ứng phó linh hoạt, hiệu quả với các biến động, tạo lực, tạo đà thực hiện mục tiêu tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế.
Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương Việt Nam và các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đề nghị các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục là cầu nối, cung cấp thông tin thị trường và cơ hội hợp tác giữa Việt Nam với các nước trong các lĩnh vực; đồng thời tiếp tục quảng bá hình ảnh đất nước, con người, tiềm năng hợp tác đầu tư Việt Nam với các nước…
Đồng chí Mai Sơn chủ trì tại điểm cầu tỉnh Bắc Ninh. |
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lời thăm hỏi, chúc mừng tốt đẹp nhất của Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt tới các đại biểu và Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng năm 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, công tác đối ngoại là điểm sáng trong kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2025 của cả nước, trong đó có sự đóng góp của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Đồng chí yêu cầu Bộ Ngoại giao tham mưu khen thưởng kịp thời các cơ quan, cá nhân có thành tích xuất sắc, đồng thời có hình thức phù hợp đối với cơ quan, cá nhân yếu kém.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài nắm chắc tình hình sở tại; phân tích, đánh giá, tham mưu kịp thời để lãnh đạo Đảng, Nhà nước không bất ngờ về đối ngoại; tạo môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển; bảo đảm mục tiêu tăng trưởng từ 8,3 - 8,5% trong năm 2025; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu và đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, ngoại giao kinh tế là trọng tâm của công tác đối ngoại, ngoại giao trong giai đoạn mới do đó phải kết nối với các nền kinh tế chặt chẽ, bao trùm, toàn diện hơn; thu hút nhân tài, đào tạo nhân lực chất lượng cao, khai thác hiệu quả mạng lưới chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo phục vụ quá trình phát triển, hiện đại hóa đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tiếp tục đưa quan hệ với các nước láng giềng, nước lớn, các đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, ổn định, thực chất, bền vững, lâu dài trên cơ sở tin cậy, chân thành, hài hòa lợi ích, tạo lập những đột phá mới, giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn phát sinh trong quan hệ; thúc đẩy và tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại cấp cao từ nay đến cuối năm; các hình thức giao lưu, tiếp xúc đa dạng, linh hoạt ở tất cả các cấp, các kênh; tạo môi trường thuận lợi cho tăng cường hợp tác.
Các bộ, ngành, cơ quan Việt Nam tại các nước tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, chú trọng làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới; thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài và thu hút đầu tư vào Việt Nam, nhất là thúc đẩy hợp tác phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số với các công nghệ cao, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật...
Cùng đó, mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, thúc đẩy ký các FTA mới với các thị trường tiềm năng như Trung Đông, châu Phi, Mỹ La-tinh, Trung Á, Ấn Độ, Brazil...; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trọng điểm như công nghệ, điện tử, ô tô, máy móc, dệt may, da giày... mở rộng xuất khẩu, đầu tư, kinh doanh có hiệu quả ở nước ngoài, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đẩy nhanh việc triển khai Nghị quyết 222/2025/QH15 về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tích cực thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tiếp tục thích ứng chủ động, linh hoạt với tình hình mới về thương mại, đầu tư quốc tế; tích cực, quyết liệt hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc trong các dự án đầu tư, hợp tác kinh doanh với đối tác nước ngoài tại Việt Nam cũng như thị trường nước ngoài; xem xét thành lập, xây dựng các trung tâm nghiên cứu của các ngành, lĩnh vực; đàm phán chính sách thuế quan với các nước; thúc đẩy, kết thúc đàm phán FTA với Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR); đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đường sắt kết nối Việt Nam - Trung Quốc…
Cho rằng nhiệm vụ đạt mục tiêu tăng trưởng 8,3 - 8,5% trong năm 2025 là rất nặng nề, khó khăn nhưng không phải bất khả thi, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp chặt chẽ, cùng nhau phấn đấu, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện hiệu quả ngoại giao kinh tế, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng của năm nay, tạo đà, tạo thế, tạo lực để đất nước ta vững bước vào kỷ nguyên mới
Ý kiến bạn đọc (0)