Mộ gió - khúc nguyện ca bất tử về tình yêu Tổ quốc
Mộ gió
Xương cốt không, di vật cũng không
Liệt sĩ hóa thân vào trời biển
Trong mộ có tình yêu hiển hiện
Để gió mang đi và gió mang về
Mấy ngàn năm, bao sinh mạng tái tê
Cho đất nước yên bề độc lập
Nguyện ôm giữ biển trời và đất
Bất kể khi nào, bất kể nơi đâu
Người sống cam tâm ôm trọn nỗi sầu
Ôm mộ gió, ôm làm sao được gió
Gió là không và gió luôn là có
Linh hồn người gắn bó với quê hương
Đất nước ta biết bao độ chiến chinh
Những mộ gió ở nơi nào chẳng thấy
Ở nơi nào cũng có tàn nhang cháy
Những tình yêu ở đấy giữ biên thùy!
Thanh Dạ
LỜI BÌNH
Nếu một ngày bạn dừng chân trên cồn cát trắng lặng im, để gió thốc qua tóc và tiếng sóng thì thầm dưới chân, liệu bạn có nghe thấy những lời thầm thì kể chuyện của thời gian? Có những ngôi mộ không tên, chỉ có gió hát ru suốt nghìn năm bất diệt, giữ hộ bí mật về những linh hồn đã hóa thân vào trời biển mênh mông. Chính ở nơi biên cương ấy, gió không còn đơn thuần là gió, mà trở thành chứng nhân bất tử, là lời ru của đất trời cho những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do. Đó chính là không gian khắc khoải, bi hùng của “Mộ gió” - khúc nguyện ca thiêng liêng mà tác giả Thanh Dạ viết về những con người đã hóa thân thành gió, thành quê hương này.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Bài thơ “Mộ gió” của Thanh Dạ cất lên một khúc bi thương nhưng cũng vô cùng tự hào, như tiếng sóng vỗ về những linh hồn đã hòa tan vào gió, thành trời biển quê hương. Mở đầu thi phẩm là hình tượng thơ giàu cảm xúc đớn đau, thắt nghẹn: “Xương cốt không, di vật cũng không”. Nhà thơ đã đưa người đọc đến với một nỗi đau không hình hài - nỗi đau về những liệt sĩ nằm xuống không bia mộ, không tên, hoá thân vào muôn vàn ngọn gió cuốn đi trong mênh mang, bất tận. Nhưng chính từ cái “không” ấy, tình yêu Tổ quốc lại được hiện hình, và gió đã trở thành biểu tượng thiêng liêng nương náu hồn người: “Gió mang đi và gió mang về”.
Với giọng thơ vừa tha thiết vừa mạnh mẽ, Thanh Dạ khắc họa những ngôi mộ gió như dấu tích thầm lặng của hàng ngàn năm chiến tranh. Ở đây, sự hy sinh không còn giới hạn trong một đời người, mà thành vĩnh cửu, trường tồn với “biển trời và đất”. Đọc đến đây, ta như thấy cát vàng, biển biếc, sóng bạc đầu trên những bãi cồn miền Trung vẫn đang hát lời ca bi hùng về những người con quả cảm đã hy sinh cho Tổ quốc: “Mấy ngàn năm, bao sinh mạng tái tê/ Cho đất nước yên bề độc lập/ Nguyện ôm giữ biển trời và đất/ Bất kể khi nào, bất kể nơi đâu”.
Đến khổ thơ thứ ba, từ mạch cảm xúc “Người sống cam tâm ôm trọn nỗi sầu” khiến lòng người rung lên trong vô cùng day dứt. Bao gia đình đã chờ mãi một tin, một di ảnh, một nắm xương, rồi cuối cùng chỉ còn “mộ gió” - một nấm đất tượng trưng không xác, không hài cốt. Nhưng thật diệu kỳ, chính trong sự “không” ấy lại ẩn chứa cái “có” lớn lao: “Gió là không và gió luôn là có”. Gió không nhìn thấy, không giữ được, nhưng gió vẫn hiện hữu khắp mọi miền đất nước, gắn bó, nâng niu những giá trị thiêng liêng, như linh hồn người lính đã tan vào gió, gắn chặt với quê hương. Những câu thơ vừa triết lý vừa day dứt, gợi về một tình yêu quê hương thấm đẫm máu xương, nhưng cũng siêu thoát, vượt qua mọi ranh giới hữu hình của đời sống thực tại: “Người sống cam tâm ôm trọn nỗi sầu/ Ôm mộ gió, ôm làm sao được gió/ Gió là không và gió luôn là có/ Linh hồn người gắn bó với quê hương”.
Đến đây, người đọc nhận ra sự tinh tế trong thơ Thanh Dạ ở chỗ: Tác giả không sa đà kể về nỗi bi thương mà ngược lại, gợi mở không gian rộng lớn, dựng lên cảnh tượng “Đất nước ta biết bao độ chiến chinh” - như một cuốn phim lịch sử trải dài. Ở khắp nơi, “những mộ gió, ở nơi nào chẳng thấy”, gió khắp đồng bằng, núi non, hải đảo đều trở thành “bia mộ vô hình” lưu giữ dấu ấn của những người con đã ngã xuống cho tự do. Để rồi, trong mỗi nén nhang ở một vùng quê, nơi nghĩa trang, hay ngay cả nơi cồn cát không tên, khói hương quyện với gió, hun đúc sức mạnh tinh thần giữ vững biên cương: “Người sống cam tâm ôm trọn nỗi sầu/ Ôm mộ gió, ôm làm sao được gió/ Gió là không và gió luôn là có/ Linh hồn người gắn bó với quê hương”.
Khép lại bài thơ là hình ảnh “Những tình yêu ở đấy giữ biên thùy!” - một khẳng định thiêng liêng và kiêu hãnh. “Đấy” có thể là những mộ gió vô danh giữa cồn cát, hay là bất cứ đâu trên dải đất hình chữ S nước Việt, nơi có dấu chân cha ông đi qua, nơi có bao tình yêu dang dở gửi lại. Nhưng chính tình yêu ấy đã tiếp sức cho thế hệ sau tiếp tục gìn giữ biên cương. Hình ảnh “tàn nhang cháy” là hình ảnh bình dị mà lay động, bởi nó nhắc nhở người đọc rằng, dù chỉ là một nén nhang, một cơn gió, tất cả đều thắp sáng ký ức và lòng biết ơn với những anh hùng vô danh ngã xuống: “Đất nước ta biết bao độ chiến chinh/ Những mộ gió ở nơi nào chẳng thấy/ Ở nơi nào cũng có tàn nhang cháy/ Những tình yêu ở đấy giữ biên thùy!”.
Với “Mộ gió”, Thanh Dạ không chỉ viết một bài thơ mà đã khắc lên một áng thi ca của sự tri ân. Bằng ngôn từ giản dị nhưng hàm súc, giọng thơ thiết tha nhưng hào hùng, tác giả đã tạo ra một không gian tràn đầy tự hào dân tộc. Mỗi câu chữ như từng hạt cát, như con sóng, khi nhẹ nhàng, khi sôi trào, nhưng đều vỗ về tâm hồn người đọc bằng sự thật: Đất nước này được dựng xây bằng máu xương, bằng tình yêu vĩ đại của những con người đã hóa thân thành gió giữa biển trời Tổ quốc.
Ý kiến bạn đọc (0)