Bắc Ninh: Thống nhất xây dựng nghị quyết hỗ trợ chương trình “Sữa học đường” theo quy trình rút gọn
BẮC NINH - Chiều 22/7, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh tổ chức hội nghị xem xét, cho ý kiến về việc đề nghị xây dựng Nghị quyết của HĐND quy định hỗ trợ thực hiện chương trình “Sữa học đường” trong các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, giai đoạn 2025-2030 (gọi tắt là nghị quyết “Sữa học đường”) theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Đồng chí Trần Thị Hằng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh và một số sở, ngành liên quan.
![]() |
Đồng chí Trần Thị Hằng chủ trì hội nghị. |
Tại hội nghị, đồng chí Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trình bày lý do đề xuất quy trình rút gọn trong việc xây dựng nghị quyết “Sữa học đường”. Theo đó, căn cứ điểm b, khoản 1, điều 50 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có nội dung “trường hợp cấp bách để giải quyết vấn đề phát sinh trong thực tiễn” thì áp dụng quy trình rút gọn. Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh (cũ) đã triển khai chương trình “Sữa học đường” từ năm 2013, trải qua 3 giai đoạn (2013-2017; 2017-2020; 2020-2025). Hiện nay, Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Bắc Ninh (cũ) đã hết thời gian hiệu lực hỗ trợ cung ứng sữa cho học sinh. Mặt khác, việc sáp nhập hai tỉnh bắt đầu từ ngày 1/7; ngày khai giảng năm học mới là 5/9; khoảng thời gian từ nay đến thời điểm bắt đầu năm học còn rất ngắn.
Vì vậy, thực tiễn đang đặt ra vấn đề: Để cung ứng sữa cho học sinh ngay từ đầu năm học đòi hỏi phải làm rất gấp các thủ tục cần thiết để ban hành văn bản quy phạm pháp luật về nội dung này. Do đó, việc đề nghị xây dựng nghị quyết theo quy trình rút gọn để không gián đoạn việc hưởng thụ chính sách của học sinh bậc mầm non và tiểu học.
![]() |
Đồng chí Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trình bày lý do đề xuất quy trình rút gọn trong xây dựng nghị quyết "Sữa học đường" giai đoạn 2025-2030. |
Đồng chí Đỗ Thị Việt Hà, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho rằng, việc đề xuất xây dựng nghị quyết theo quy trình rút gọn là có cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, cơ quan chủ trì tham mưu cần xác định rõ những công việc còn phải làm liên quan đến Nghị quyết số 05 (quy trình kết thúc hợp đồng đấu thầu mua sữa; xử lý các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nghị quyết cũ trước khi ban hành nghị quyết mới…) để bảo đảm việc ban hành nghị quyết mới đúng quy trình, quy định. Đồng thời, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần nghiên cứu việc có hay không đưa quy định đấu thầu vào nghị quyết mới vì nội dung này vẫn phải thực hiện theo quy định hiện hành sau khi nghị quyết được thông qua.
Đại diện lãnh đạo các ban HĐND, Sở Tài chính đều nhất trí đề xuất ban hành nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn. Bởi thực tế, đây là vấn đề phát sinh trong thực tiễn (sau sắp xếp đơn vị hành chính). Tuy vậy, theo đồng chí Thân Trung Kiên, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh), để dự thảo nghị quyết “Sữa học đường” giai đoạn 2025 - 2030 sớm được xây dựng và ban hành, Ban đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức soạn thảo, thẩm định và trình thẩm tra văn bản đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Đánh giá khách quan, toàn diện kết quả thực hiện chương trình “Sữa học đường” đã được triển khai trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh (cũ).
Bên cạnh những kết quả tích cực cần chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chương trình để đánh giá chính xác tác động của chính sách trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Tổ chức lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt lưu ý đến các vấn đề như: Khả năng cân đối nguồn lực của ngân sách; các tiêu chuẩn, quy định chuyên ngành đối với sản phẩm sữa; các đối tượng và địa bàn đặc thù thụ hưởng chính sách (gia đình có hoàn cảnh khó khăn, khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…).
Phát biểu kết luận, đồng chí Trần Thị Hằng nhấn mạnh: Kết quả triển khai chương trình “Sữa học đường” trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh (cũ) đã góp phần nâng cao sức khỏe, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thấp còi bậc mầm non và tiểu học; tạo nền tảng phát triển thể lực, trí tuệ cho trẻ em. Đồng thời, nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao của phụ huynh và Nhân dân.
Từ cơ sở pháp lý và thực tiễn cho thấy, nếu không kịp thời ban hành nghị quyết thay thế Nghị quyết số 05 thì các đối tượng đang được thụ hưởng chương trình sẽ phải dừng việc uống sữa hằng ngày tại các cơ sở giáo dục (mầm non và tiểu học) trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh (cũ). Như vậy sẽ tạo khoảng trống, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và quá trình phát triển toàn diện của nhóm trẻ em đang được thụ hưởng chính sách. Vì vậy, Thường trực HĐND tỉnh thống nhất ủng hộ quan điểm xây dựng nghị quyết “Sữa học đường” giai đoạn 2025-2030 theo quy trình rút gọn.
Đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo sớm có báo cáo trình UBND tỉnh để thực hiện các quy trình tiếp theo, bảo đảm cơ sở pháp lý, thực tiễn khi xây dựng dự thảo nghị quyết. Sau khi trao đổi, thống nhất với các ban của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh sẽ ban hành văn bản chấp thuận việc xây dựng nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn. Từ đó, làm căn cứ đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo nghị quyết bảo đảm đúng quy định và trình thông qua tại kỳ họp HĐND tỉnh gần nhất.
Ý kiến bạn đọc (0)